Mẹo chăm sóc sức khỏe khi thay đổi thời tiết đột ngột.
Sự thay đổi thất thường của thời tiết dễ gây ra các ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Ban ngày nắng nóng, ban đêm trở rét, cùng với độ ẩm không khí cao sẽ dễ phát sinh vi khuẩn, vi trùng gây bệnh.
Các bệnh thường gặp khi thay đổi thời tiết đột ngột là gì?
Thời tiết thất thường gây ảnh hưởng lớn đến các nhóm bệnh mãn tính, các bệnh về đường hô hấp và cao huyết áp.
Thời tiết không phải là căn nguyên gây các biến chứng ở người bệnh cao huyết áp nhưng là yếu tố khiến mạch máu co lại, huyết áp tăng và các biến chứng xuất hiện. Các bệnh nhân phình tắc động mạch chủ sẽ có biểu hiện động mạch chủ bị xé, nếu vết xé lớn bệnh nhân có thể tử vong, trường hợp nhẹ hơn có thể đột quỵ hoặc hôn mê.
Bà Lý Thị Mén, thôn Làng Báu, xã Minh Khương (Hàm Yên), 62 tuổi đang nằm điều trị tại Khoa Nội – Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hàm Yên cho biết, bà bị bệnh cao huyết áp và tim mạch đã lâu. Mấy hôm trước bà đi tập thể dục buổi sáng thì đột nhiên chóng mặt rồi mệt trong người. Người nhà đưa bà đến bệnh viện khám và bác sỹ cho biết huyết áp khá cao phải nhập viện để điều trị. Các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn bà uống thuốc và chế độ ăn uống, bà đã đỡ nhiều rồi.
Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong những ngày qua số lượng bệnh nhân đã tăng lên gấp đôi, so với tháng trước. Theo các bác sỹ Khoa Nhi, một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột là viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản… Tuy là bệnh không gây nguy hiểm tức thời nhưng đôi khi hậu quả của nó gây phiền phức cho người bệnh.
Vi khuẩn có thể đi vào máu gây nhiễm trùng huyết, màng não. Bệnh được chia thành hai dạng mãn tính và cấp tính. Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là bệnh phổ biến, có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao. Trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần trong năm (3-5 lần), do đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Chị Hoàng Thị Tình, xóm 11, xã Lang Quán (Yên Sơn) đưa con 12 tháng tuổi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng ho, sốt nhiều ngày. Chị Tình cho biết, tình hình thời tiết thất thường, ngày nóng, đêm lạnh, do gia đình không để ý nên cháu đã nhiễm bệnh.
Ở nhà cháu có sốt nhẹ kèm ho, chị có ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt và thuốc ho cho cháu uống, tuy nhiên uống thuốc 3 ngày không thấy cháu đỡ mà lại sốt cao, gia đình chị mới cho cháu đi khám. Tại đây, các bác sỹ kết luận cháu bị viêm phế quản, đến nay là ngày thứ 3 cháu ở viện, cháu cũng đã đỡ nhiều.
Gợi ý chăm sóc sức khỏe khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Thời tiết khi giao mùa luôn thay đổi thất thường dễ khiến cơ thể chúng ta ngã bệnh do không thích ứng kịp. Vào thời gian này, nhiệt độ, độ ẩm trong không khí thường thay đổi đột ngột trong một ngày hoặc giữa nhiều ngày khác nhau. Lúc này, cơ thể chưa kịp thay đổi để thích nghi, dễ bị các vi khuẩn có hại tấn công.
Sức đề kháng kém sẽ dẫn đến các bệnh như cảm cúm, sốt nhẹ, đau đầu, đau mắt đỏ… hoặc dị ứng. Để phòng bệnh hiệu quả khi thời tiết thất thường, mọi người cần giữ ấm, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Khi có các biểu hiện của các bệnh cần được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh tại nhà chu đáo hoặc đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
1. Bổ sung vitamin.
Ăn uống đủ chất, không bỏ bữa là điều rất quan trọng để giữ sức khỏe. Bạn nên có thực đơn ăn đa dạng nhiều dưỡng chất. Ăn nhiều rau, củ, quả để bổ sung thêm chất xơ có lợi cho sức khỏe. Uống nước cam, chanh để nạp thêm vitamin C có lợi cho cơ thể để nâng cao sức đề kháng. Bạn nên uống thật nhiều nước hoặc súc miệng bằng nước muối để tránh viêm họng hoặc có thể uống trà nóng hay nước chanh ấm pha mật ong để làm dịu cổ họng.
2. Tập thể dục đều đặn.
Hãy dành ít nhất 20 phút mỗi ngày để tập thể dục. Tập thể dục tối thiểu 3 lần mỗi tuần. Việc tập thể dục sẽ giúp cơ thể dẻo dai, đẩy lùi bệnh tật. Tập thể dục cũng mang lại nhiều lợi ích khác như giảm căng thẳng, stress, kiểm soát cân nặng, tốt cho tim mạch… Đặc biệt, tập thể dục sẽ giúp nâng cao sức đề kháng và sức bền của cơ thể.
3. Dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Các vật dụng lâu ngày bám bụi và chăn chiếu ít giặt giũ có thể ẩn chứa nguy hiểm. Vi khuẩn và vi trùng có thể phát sinh ở các vị trí ẩm ướt trong nhà. Hãy chú ý dọn dẹp nhà cửa và thông thoáng để tránh vi khuẩn gây bệnh.
Việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Chú ý vệ sinh tai – mũi – họng vì đó là những khu vực dễ bị ảnh hưởng. Sử dụng bình rửa mũi hằng ngày để làm sạch bụi bẩn.
4. Sinh hoạt điều độ.
Có thời gian biểu sinh hoạt hợp lý. Tránh thức khuya, đi ngủ muộn. Sinh hoạt thiếu điều độ có thể khiến cơ thể chúng ta thêm mệt mỏi, rệu rã, kiệt sức. Đặc biệt là khi gặp thời tiết thay đổi đột ngột. Khi thức khuya, tinh thần sẽ thiếu minh mẫn, tỉnh táo. Ngủ ngày nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi.