Tai biến mạch máu não nhẹ còn được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA- transient ischemic attack) hay cơn tai biến mạch máu não hồi phục nhanh. Thời gian hồi phục của tai biến mạch máu não nhẹ từ vài phút đến vài giờ, và không để lại dấu hiệu yếu, liệt. Bên cạnh đó, TBMMN hay thường được gọi là đột quỵ, xảy ra thường do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc. Tai biến mạch máu não có các loại tổn thương chính là chảy máu não, chảy máu màng não và nhũn não hoặc phối hợp các loại. Các cơ quan và vùng cơ thể được điều khiển bởi vùng não bị thiếu máu sẽ không thể tiếp tục hoạt động nên người bị tai biến thường bị tê liệt, nói ngọng hay không nói được…thậm chí tử vong.

Tai biến mạch máu não nhẹ.

Cơn thiếu máu não thoảng qua có triệu chứng giống đột quỵ não, kéo dài một vài phút và thường dưới 1-2 giờ. Nguyên nhân gây ra bởi lấp mạch do cục huyết khối nhỏ (cục huyết khối được hình thành từ các mảnh calcium và mảng chất béo) gây nghẽn mạch máu đến não. Các triệu chứng xảy ra nhanh và hồi phục nhanh do tình trạng tắc nghẽn tạm thời nguồn cung cấp máu tới não. Tuy vậy, tai biến mạch máu não nhẹ vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây thiếu máu não thực sự và làm tăng tỷ lệ tử vong trong những năm đầu sau tai biến.

Tùy theo vùng não bị tổn thương mà bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh khu trú theo hệ mạch máu não bị tắc nghẽn như:

Thiếu máu hệ tuần hoàn phía trước có các triệu chứng:

  • Suy giảm thị lực, mù thoáng qua, suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ tạm thời.
  • Tê, yếu tay – chân một bên hoặc yếu nửa người.
  • Rối loạn ngôn ngữ: nói khó hoặc không nói được.

Thiếu máu hệ tuần hoàn phía sau có các triệu chứng:

  • Đau đầu, chóng mặt, nôn ói kiểu hội chứng tiền đình.
  • Đi đứng không vững, run tay và chân.

Triệu chứng của bệnh thường có biểu hiện không rõ ràng và dữ dội như bệnh tai biến mạch máu não nặng. Nó thường xuất hiện đột ngột và thoáng qua khiến người bệnh nhầm tưởng rằng đó là biểu hiện thông thường của chứng trúng gió hay căn bệnh tiền đình.

Sự nguy hiểm của cơn thiếu máu não thoảng qua

Bệnh nhân bị thiếu máu não thoảng qua (TIA) sẽ tự hồi phục nhanh chóng nên thường chủ quan không đi khám bệnh. Đây là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng vì nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời đúng hướng dẫn sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ thiếu máu não thực sự.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 10-15% bệnh nhân có TIA sẽ có đột quỵ trong vòng 3 tháng, và một nửa nhóm đột quỵ này xảy ra trong 48 giờ sau cơn TIA. Nguy hiểm nhất là khi xảy ra thiếu máu thực sự thường diễn biến nặng có thể hôn mê, để lại các di chứng nặng nề như liệt nửa người, mất trí nhớ, rối loạn nhận thức, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy mặc dù cơn TIA không gây tổn thương sau đó, nhưng nó là một dấu hiệu cảnh báo nhồi máu thật sự có thể xảy ra trong tương lai nếu không được phòng ngừa.

Cách xử lý bệnh nhân thiếu máu não thoảng qua

Mặc dù thiếu máu não thoảng qua thường chỉ kéo dài vài phút, vài giờ nhưng nó có thể xảy ra một hoặc nhiều lần dẫn đến tai biến mạch máu não thực sự. Vì vậy khi bệnh nhân có cơn TIA nên được điều trị như là đột quỵ.

Khi có triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua, người bệnh không được chủ quan, cần được đến cơ sở y tế khám, làm các xét nghiệm chuyên khoa để xác định nguyên nhân. Việc xử lý, thăm khám và điều trị dự phòng sớm, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như tuổi trên 60, tiền sử có tăng huyết áp, đái tháo đường, tình trạng rối loạn ngôn ngữ và yếu nửa người kéo dài trên 60 phút sẽ góp phần giảm tỷ lệ đột quỵ thực sự sau này.

Cần lưu ý không được cho người bệnh dùng các loại thuốc như chống đông máu, hạ huyết áp nhanh chóng hoặc các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Sử dụng thuốc không đúng rất có thể sẽ làm cho bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

Nguyên nhân của bệnh tai biến mạch máu não là gì?

Một số nguyên nhân chính dẫn đến tai biến mạch máu não:

  • Tắt mạch máu não: các mãng xơ mỡ động mạch trong lòng mạch máu càng dày khiến lòng mạch càng hẹp dẫn đến máu không thể lưu thông tốt, máu lên não gây tai biến.
  • Vỡ mạch máu não: Cao huyết áp là nguyên nhân trọng yếu, làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Cao huyết áp tạo áp lực lớn lên thành mạch, khi lực này vượt ngưỡng chịu đựng sẽ khiến động mạch não vốn đã bị xơ cứng, ít đàn hồi bị vỡ gây tai biến.
  • Lấp mạch: Các bệnh về tim như tim to, hẹp van tim, rung nhĩ hay loạn nhịp… đều làm máu lưu thông kém, gây tích tụ máu thành những huyết khối. Một khi cục máu đông di chuyển lên vùng động mạch não nhỏ hơn kích thước của nó, gây lấp mạch máu, từ đó dẫn đến tình trạng TBMMN.
  • Hút thuốc lá: là yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não. Đây cũng là nguyên nhân của các bệnh dạ dày, phổi.

Phòng tránh tai biến mạch máu não.

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, bao gồm đủ và đúng cách, cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bạn phòng ngừa TBMMN hiệu quả.

Vì vậy, trong chế độ ăn hằng ngày để phòng tránh tai biến mạch máu não, bạn cần:

  • Giảm chất béo, giảm cholesterol. Nên dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn thay cho dầu/mỡ động vật. Hoặc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt giúp giảm lượng cholesterol đi vào máu từ đó giúp giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Bổ sung rau xanh và trái cây mỗi ngày, đặc biệt là bông cải xanh để bổ sung Glucoraphanin – chiết xuất tự nhiên giúp thúc đẩy và duy trì các phản ứng chống oxi hóa, giúp đào thải độc tố trong cơ thể, từ đó giúp tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi, ăn ngủ ngon.
  • Hạn chế ăn thức ăn mặn, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn hay các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá …
  • Kết hợp với chế độ dinh dưỡng, bạn cần duy trì lịch tập thể dục tốt cho sức khỏe. Đơn giản nhất là dành thời gian đi bộ, chạy bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Ngoài ra, việc tập thể dục còn giúp bạn có tinh thần minh mẫn, sảng khoái, tránh xa stress – nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch.
  • Khám sức khỏe định kỳ và nhận các lời tư vấn chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn chính xác hơn từ các Bác Sĩ.

Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn có những hiểu biết nhất định về TBMMN. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả cho bản thân và gia đình.

Nguồn tổng hợp:

Tai biến mạch máu não: Định nghĩa, nguyên nhân, biến chứng

Không nên chủ quan với bệnh tai biến mạch máu não nhẹ